Sửa thêm và tranh luận chót Hội nghị Lập hiến (Hoa Kỳ)

Một tháng thảo luận lại qua, bản thảo giữ nguyên. Một số đại biểu cố gắng thay đổi bản thảo của Rutledge, thêm vào điều kiện phải có tài sản để giữ chức, cấm chính phủ liên bang phát hành tiền giấy,[112]:187 nhưng hầu hết không thành công. Nhất là Madison, muốn sửa lại Hiến pháp theo hướng kế hoạch của ông.

Đại hội có đồng ý trao cho Quốc hội quyền chấm dứt việc buôn bán nô lệ bắt đầu từ năm 1808. Đại biểu miền Bắc cũng chấp nhận tăng cường điều khoản yêu cầu các bang bắt giữ nô lệ bỏ trốn phải trao trả, đại biểu miền Nam chịu bỏ điều kiện Quốc hội phải có 2/3 cả hai viện tán thành để thông qua luật quản lí việc buôn bán giữa các bang và chính phủ nước ngoài.[112]:196

Đại hội sửa xong bản thảo đầu tiên của Uỷ ban Nội dung rồi, gửi một loạt các vấn đề mới đến một số uỷ ban để giải quyết. Uỷ ban Nội dung bắt đầu xem xét một số việc về lệnh định quyền giam giữ, tự do báo chí và một cơ quan nội các để khuyên bảo tổng thống. Đại hội lập hai uỷ ban để giải quyết vấn đề về việc buôn bán nô lệ và nghĩa vụ trả nợ vào thời kì Chiến tranh Cách mạng.

Đại hội thiết lập Uỷ ban Lí sự để thu xếp những việc khác bị dời lại, bao gồm các thành viên như Madison, sẵn sàng thoả hiệp. Nhiều đại biểu Đại hội muốn làm xong việc và về nhà, cho nên chọn các uỷ viên như vậy để giải quyết các vấn đề cho nhanh.[112]:207 Uỷ ban xem xét việc thuế, tuyên chiến, bằng sáng chế và bản quyền, quan hệ với các bộ lạc bản địa, và yêu cầu các dự luật đánh thuế phải đưa ra trong Hạ nghị viện. Vấn đề lớn nhất là cách bầu tổng thống,[112]:209 Madison viết ra thoả hiệp chung quyết có ý kiến của uỷ ban: tổng thống do đoàn đại cử tri bầu ra theo kế hoạch của Wilson, nếu không có ứng viên nào có số đông đại cử tri đoàn thì do Hạ nghị viện bầu ra. Madison xét, “cứ 20 lần thì 19 lần” Hạ nghị viện sẽ bầu tổng thống.

Uỷ ban cũng rút ngắn nhiệm kỳ của tổng thống từ bảy năm xuống còn bốn năm, cho tổng thống được tái cử, và chuyển quyền xét xử luận tội từ toà án sang Thượng nghị viện. Nguyên là trước đó, tổng thống do Quốc hội bầu ra, Đại hội lo sẽ lệ thuộc Quốc hội, cho nên đặt nhiệm kỳ dài và cấm tái cử, nhưng một khi quyết định đoàn đại cử tri là cơ quan bầu ra thì tổng thống ít có thể bị Quốc hội chi phối. Cũng tạo ra chức vị phó tổng thống, chỉ có vai trò kế nhiệm một tổng thống không thể hoàn thành nhiệm kỳ, chủ trì Thượng nghị viện và bỏ phiếu nếu Thượng nghị viện biểu quyết hoà. Tổng thống được một số quyền của Thượng nghị viện, như quyền làm các hiệp ước và bổ nhiệm các đại sứ.[112]:212

Gần cuối hội nghị, Gerry, Randolph và Mason bắt đầu phản đối bản thảo của Uỷ ban Nội dung.[112]:235 Một số người phỏng đoán Randolph công kích Hiến pháp để mưu lợi chính trị, cụ thể là để không phải tranh cử với đối thủ Patrick Henry về sau. Họ hầu hết phản đối thoả hiệp cho phép Quốc hội thông qua luật quản lí thương mại theo đa số đổi lấy tăng cường điều khoản về nô lệ bỏ trốn.[112]:236 Cũng phản đối thiết lập chức vị phó tổng thống.

Ba đại biểu sửa được một số điểm. Mason thêm “những tội nghiêm trọng khác” vào danh sách các tội Quốc hội có thể buộc. Gerry viết thêm một cách phê chuẩn các bản tu chính hiến pháp. Báo cáo của Uỷ ban Nội dung chỉ quy định một cách phê chuẩn là 2/3 các bang yêu cầu Quốc hội triệu tập đại hội để xem xét bản tu chính. Đại hội thêm lại cách ban đầu của Kế hoạch Virginia: Quốc hội đưa ra bản tu chính cho các bang phê chuẩn.[112]:238 Tất cả các bản tu chính Hiến pháp đều được phê chuẩn theo cách thứ hai, trừ bản sửa đổi thứ 21 ra.

Những đại biểu khác muốn chấm dứt Đại hội và về nhà, ngày càng chán ghét thái độ phản đối của ba đại biểu. Đại hội sắp hạ màn, các đại biểu sắp chuyển Hiến pháp cho Uỷ ban Văn phong viết bản cuối cùng thì một đại biểu đề nghị đảm bảo công dân có quyền được bồi thẩm đoàn xét xử trong các phiên toà dân sự. Mason thừa dịp đề nghị Đại hội thêm một bản tuyên ngôn quyền lợi vào hiến pháp và xin được soạn trong một vài giờ. Gerry đồng ý, nhưng uỷ ban không chịu, xem đây chẳng qua là chiêu bài câu giờ khác.[112]:241

Lúc đó, rất ít ai nhận ra sự quan trọng của một bản tuyên ngôn quyền lợi; về sau, phe chống Liên bang lấy sự thiếu đảm bảo quyền lợi làm lí do chính để các bang không phê chuẩn Hiến pháp. Hầu hết các đại biểu xét các bang đã bảo vệ các quyền cá nhân, Hiến pháp lại không cho phép chính phủ quốc gia tước quyền, cho nên thấy Hiến pháp không cần phải bảo vệ quyền. Phút chót, các đại biểu thu xếp thêm một số việc. Quan trọng nhất là cho phép Thượng nghị viện sửa đổi các dự luật chi tiêu do Hạ nghị viện đưa ra, thay vì phải thông qua hay bác bỏ.[112]:243